Khoảng trống vừa được lấp đầy
Câu chuyện của tôi sẽ bắt đầu với kích thước màn hình của một chiếc laptop. Bạn còn nhớ chiếc laptop đầu tiên của mình là khi năm bao nhiêu tuổi không? Còn tôi là vào năm 2011, tức thời điểm năm 3 của Đại học. Lúc đó, sau cả tháng tìm hiểu và so sánh giá cả, cuối cùng tôi chọn cho mình chiếc K53SV của ASUS vì thỏa 2 tiêu chí thời đó của tôi: có card đồ họa rời để chơi game và màn hình 15 inch để hiển thị to rõ – tất nhiên cũng để chơi game nhìn “sướng” mắt hơn.
Sau 4 năm “cày bừa”, ASUS K53SV của tôi cũng chính thức được cho nghỉ hưu. Khi đó, phần vì muốn tập trung cho công việc hơn (không chơi game nữa), phần vì muốn bước ra khỏi vùng an toàn nên tôi quyết định từ bỏ laptop chạy Windows và bước sang MacOS. 2015 là thời điểm đánh dấu việc tôi lần đầu tiếp xúc với dòng máy tính của Apple, cũng đồng nghĩa với việc tập trung cho sự nghiệp nhiều hơn, tránh bị game làm xao nhãng trong giờ làm việc.
MacBook Pro 15 inch (2015) là chiếc laptop Apple đầu tiên trong đời của tôi. Lý do tôi tiếp tục chọn 15 inch vì tôi đã quá quen với kích thước màn hình này từ thời sử dụng Windows, thậm chí, truyền thống này vẫn được tôi tiếp tục cho đến các đời tiếp theo và cho đến khi… Apple dừng ra đời laptop có kích cỡ này và thay vào đó là 16 inch.
Việc loại bỏ kích thước 15 inch khiến không ít người, trong đó có cả tôi, cảm thấy khó hiểu và cực kỳ khó khăn trong việc lựa chọn dòng sản phẩm phù hợp. Thời điểm đó, tôi chỉ có cách lựa chọn phiên bản MacBook Pro 14 inch vì 2 lý do: giá hợp lý hơn so với 16 inch và gọn gàng hơn.
Quay trở lại năm nay, sau bao nhiêu đồn đoán, Apple chính thức ra mắt phiên bản 15 inch cho MacBook Air. Khoảng trống bao lâu cũng đã được lấp đầy, hay nói cách khác, sự chờ đợi bấy lâu nay của người dùng cuối cùng cũng đã thành hiện thực.
So với chiếc MacBook Pro 14 đang sử dụng, MacBook Air 15 mang đến cho tôi thêm không gian. Cảm giác chia màn hình hay đa tác vụ ngày xưa ấy như được ùa về trong tôi, điều mà một chiếc 14 inch năm vẫn chưa thể hiện được hết.
Sự chênh lệch 1 inch trên màn hình cũng giúp không gian hiển thị được thông thoáng hơn.
Vậy ngoài kích thước, MacBook Air 15 này có điểm gì cần chú ý khi so với bàn Pro 14? Đầu tiên là độ phân giải, tuy kích thước có lớn hơn nhưng độ phân giải của Air 15 lại ít hơn đôi chút (2880 x 1864 so với 3024 x 1964). Nhưng với việc sử dụng hàng ngày, thậm chí là đặt cạnh nhau mà so, tôi vẫn khó nhận ra được sự khác biệt của cả hai.
Một điểm hơi “thiệt thòi” của dòng Air này so với Pro là sử dụng tấm nền Liquid Retina IPS thay vì Liquid XDR. Sự khác biệt này chỉ có thể nhận ra những lúc bạn xem các nội dung HDR và khi đó độ sáng màn hình của MacBook Pro 14/16 sẽ đẩy lên 1200 nits.
Nếu bạn là người sử dụng cho tác vụ văn phòng hàng ngày, hay chỉnh sửa hình ảnh như tôi đây, việc dùng Liquid Retina của Air 15 là đã quá đủ. Đặt cả hai máy cạnh nhau để so cùng một loạt ảnh khi hậu kỳ, tôi gần như không thấy sự khác biệt nào.
To hơn nhưng mỏng hơn
Từ lâu khi nhắc đến dòng Air của Apple, ai cũng sẽ nghĩ ngay rằng đây là chiếc laptop dành cho sự mỏng, nhỏ và nhẹ. Tuy nhiên, với phiên bản 15 inch này, từ “nhỏ” có lẽ đã không còn phù hợp.
So với kích thước của Pro 14 mà tôi đang dùng, cậu em Air 15 có vẻ đã “lớn tướng” hơn hẳn. Nhưng bù đắp cho sự lớn tướng này thì Air 15 lại thể hiện được mình vẫn là một siêu mẫu trong nhà với độ mỏng vô cùng ấn tượng, chỉ 11,5mm so với 15,6mm của Pro 14. Ngoài ra, cân nặng của nó cũng nhẹ hơn người anh Pro 14 xấp xỉ 100gr.
Nói đến 100gr, có thể bạn nghĩ nó chẳng đáng là bao, nhưng thực tế thứ khiến cho hành trang của bạn hàng ngày thêm phần gánh nặng không phải chỉ mỗi laptop mà nó còn đến từ cả củ sạc. Đã từ lâu tôi rời bỏ dòng sản phẩm laptop chạy Windows và mãi chưa thể quay lại được hệ sinh thái ấy vì nhiều lý do, nhưng thứ quan trọng nhất vẫn là củ sạc của các hãng laptop Windows vẫn quá cồng kềnh và nặng, chưa kể đến việc nếu dùng cáp Type-C PD để cấp nguồn thì rất có thể chiếc laptop đó vẫn chưa được “nạp” full công suất.
Thay vì phải nhức đầu để lo chuyện hiệu năng tuyệt đối cho chiếc máy mình đang dùng, tôi lựa chọn trở lại với Apple để mọi thứ dễ thở hơn và chú tâm nhiều hơn cho hiệu suất của công việc.
Quay trở lại với Pro 14 và Air 15, vì sao tôi lại nhắc đến câu chuyện củ sạc? Có thể bạn không để ý nhưng yếu tố quyết định cho người sở hữu Air 15 được hành trang nhẹ nhàng hơn chính là đây: Chỉ cần công suất sạc 35W.
Ngay từ lúc mở hộp, chiếc Air 15 kèm theo củ sạc đã rất gọn nhẹ hơn Pro 14 mà tôi đang dùng. Và nhờ công suất sạc thấp này, tôi cũng có thể mạnh dạn bỏ hẳn củ sạc ở nhà và cứ việc mang thêm pin sạc dự phòng này theo (cũng có công suất đầu ra 35W) cho những ngày đi làm hoặc thậm chí là du lịch vài ngày.
Việc cầm mỗi pin dự phòng theo thế này vô cùng tiện lợi cho người dùng MacBook Air 15: vừa nạp pin iPhone được mà lại vừa nạp cho laptop khi cần thiết.
Tiếp tục truyền thống của dòng Air, phiên bản 15 inch này khá khiêm tốn về cổng cắm Type-C: chỉ có 2 cổng so với 3 như trên Pro 14. Tuy nhiên theo quan điểm của tôi, con số 2 này là vừa đủ để tôi có thể cắm 1 cổng cho sạc và 1 cổng cho ổ cứng ngoài khi cần.
Air 15 cũng không có cổng HDMI, vấn đề này cũng không quan trọng lắm với tôi vì màn hình 15 inch đã đủ dùng ở bất cứ đâu và không nhất thiết phải cắm màn hình ngoài nữa.
Điều đáng tiếc duy nhất ở đây là tuy kích thước đã được “nới rộng” ra nhưng Apple vẫn kiên quyết không thêm vào cổng đọc thẻ SD.
Không chỉ to về mặt khung máy, người dùng Air 15 còn được hưởng lợi khi trackpad của máy cũng rộng rãi hơn hẳn so với Pro 14. Nhờ trackpad kích thước lớn này, các ngón tay của tôi có thể di chuyển thao tác dễ dàng hơn, nhất là khi kéo các thanh điều chỉnh khi hậu kỳ ảnh và video.
Kích thước bàn phím tương tự như Pro 14, khu vực loa cũng không được đặt ở 2 bên như bản Pro mà được đưa lên khu vực cận màn hình. Điều tôi khá ấn tượng là dù loa được đặt ẩn ở đây nhưng chất lượng âm thanh của nó thật sự tốt, âm lượng to và chất âm bass vẫn rất mạnh mẽ so với thân hình mỏng manh này.
Apple cho biết Air 15 trang bị hệ thống âm thanh 6 loa, trong đó có 2 loa tần số cao và 2 bộ loa trầm khử lực giúp tăng gấp đôi độ sâu lắng của âm trầm. Ngoài ra, máy cũng hỗ trợ Spatial Audio và Dolby Atmos nhằm gia tăng trải nghiệm khi xem phim lẫn nghe nhạc.
Hiệu năng và pin
Sẽ thật thiếu sót nếu không so sánh hiệu năng xử lý giữa 2 chiếc máy mà tôi đang có ở đây. Về cấu hình, MacBook Pro 14 trong bài này dùng vi xử lý M1 Pro với 10 nhân CPU và 16 nhân GPU cùng 16GB RAM và 1TB SSD. Với MacBook Air 15, phiên bản tôi đang trải nghiệm trang bị M2 với 8 nhân CPU và 10 nhân GPU cùng 16GB RAM và 1TB SSD.
Trong bài thử nghiệm với GeekBench 6.1, phiên bản Air M2 đạt điểm lần lượt cho đơn nhân và đa nhân là 2597 và 10024, trong khi đó Pro 14 là 2396 và 12375. Tiếp đến là Cinebench R23, điểm CPU đa nhân của M2 có sự thua kém so với M1 Pro (8119 so với 12280) tuy nhiên điểm đơn nhân lại khá tương đồng nhau (1595 so với 1535).
Tốc độ ghi và đọc của bộ nhớ trong trên Air 15 cũng có sự khác biệt xa so với Pro 14 khi chỉ đạt 3030MB/s và 2804MB/s so với 5146MB/s và 5491MB/s trên bài thử của BlackMagic Disk Speed Test.
Trong bài thử nghiệm dùng Adobe Lightroom để hậu kỳ và xuất 41 ảnh DNG (khoảng 70-80MB/file) ra JPG, M1 Pro cho tốc độ xuất ảnh khoảng 1 phút 06 giây, trong khi đó M2 là 1 phút 27 giây. Độ chênh lệch 21 giây này thật sự không quá lớn, thậm chí là không thể phân biệt được đối với tác vụ xử lý hàng ngày của tôi. Ngoài ra, khi thử dùng iMovie để xử lý video và xuất 4K đơn giản, M1 Pro cho kết quả 4 phút 03 giây còn M2 trên Air 15 cho kết quả là 4 phút 34 giây.
Kể từ khi mở máy sử dụng trong gần 1 tuần, tôi chỉ sạc được đúng 3 lần, trong đó với lần đầu tiên máy trụ được 9 giờ 30 phút là còn 12% pin. Lần sử dụng thứ 2 Air 15 trụ được gần 13 giờ là còn 15% pin. Quý độc giả có thể xem biểu đồ chi tiết dưới đây về thời lượng sử dụng pin cũng như các tác vụ tôi sử dụng trong 2 lần nạp đầy pin này:
Pro hay Air?
Từng có vài người bạn, thậm chí là người trong nghề nói với tôi rằng, “Một khi bạn đã dùng dòng Pro, sẽ không bao giờ quay lại với Air”. Hoặc, “đã mua đồ Apple, cứ phải cấu hình cao, dòng cao mà chơi!” Tôi cũng từng có thời gian nghĩ như thế, nhưng với những gì mà tôi đang trải qua, có lẽ chiếc MacBook Air 15 đang dần thay đổi ý nghĩ này của tôi.
Trước đây, tôi phớt lờ mọi chiếc Air chỉ bởi màn hình nó quá nhỏ và độ phân giải cũng không đủ thỏa mãn nhu cầu hình ảnh của tôi. Nhưng với phiên bản 15 inch hiện tại, nó đã chứng minh cho tôi thấy khả năng đáp ứng được về màu sắc, chất lượng hình ảnh lẫn kích thước hiển thị – điều mà tôi cần cho công việc mỗi ngày.
Còn về mặt hiệu năng xử lý, M2 trên chiếc Air này đã rất mạnh so với những nhu cầu mà tôi đang cần: từ xử lý các tác vụ văn phòng, hậu kỳ ảnh, dựng video nhẹ nhàng cho đến giải trí. Những sự chênh lệch hơn thua về số giây khi render đồ họa hay xuất ảnh RAW cũng không thật sự quá quan trọng đối với tôi, vậy nên Air 15 đang là một sự lựa chọn khá ổn áp theo góc nhìn cá nhân của tôi.
Ngay sau khi ra mắt tại sự kiện WWDC 2023, MacBook Air 15 M2 nhận được không ít tranh cãi trên mạng xã hội lẫn phương tiện truyền thông, xoay quanh vấn đề giá cả. Với mức giá cao hơn từ 2-3 triệu đồng so với phiên bản Pro 14 2021 16GB/1TB (sử dụng M1 Pro), có thể hiểu được vì sao họ lại phản ứng như vậy.
Tuy nhiên, xét ở khía cạnh cần cho mục đích mỏng nhẹ hơn và thực sự không cần đến những tác vụ khủng, thậm chí là giúp hành trang gọn gàng hơn, rõ ràng Air 15 khá phù hợp với những gì mà tôi muốn. Nếu bạn là người đòi hỏi tác vụ cao cấp hơn, hay cần một chiếc màn hình có độ làm tươi cao hơn, MacBook Pro 14 2021 có lẽ sẽ dành cho bạn. Tuy nhiên, lưu ý rằng chip M1 đã được 2 năm tuổi và hiện đang có tin đồn M3 sẽ ra mắt trong năm nay, vậy nên hãy suy nghĩ thật kỹ để tránh hối tiếc vì để lỡ nhịp.
Cuối cùng, hãy để chiếc Pro cho người dùng Pro, còn nếu bạn cần một chiếc laptop của Apple với không gian hiển thị rộng rãi nhưng không muốn trả mức giá quá cao cho Pro 16, Air 15 có thể là lựa chọn hợp lý nhất hiện tại. Nếu được gặp Tim Cook, tôi sẽ hỏi điều gì khiến Apple mãi đến năm 2023 mới cho ra lò phiên bản Air 15 inch này mà không phải là vài năm về trước? Tôi đã đợi quá lâu giây phút này và cố gắng bám trụ thời gian qua với 14 inch rồi!